Thẳng thắn, cởi mở trong chương trình Đối thoại giữa Lãnh đạo khoa CNTT với sinh viên

18/03/2012 10:47
Thẳng thắn, cởi mở trong chương trình Đối thoại giữa Lãnh đạo khoa CNTT với sinh viên 14h ngày 17/03/2012, tại cơ sở 2, khoa CNTT- Viện ĐH Mở HN đã tổ chức chương trình đối thoại giữa Lãnh đạo khoa với sinh viên.
Tags: CTMS, tuyển sinh,

Đến dự buổi đối thoại, đại diện lãnh đạo Viện: Ths.Nguyễn Xuân Sơn – trưởng phòng Phòng công tác chính trị và sinh viên; Ks Nguyễn Ngọc Anh – Chuyên viên Phòng công tác chính trị và sinh viên.

Về phía khoa CNTT có Ban chủ nhiệm khoa gồm TS.Trương Tiến Tùng – Chủ nhiệm khoa, TS.Dương Thăng Long – Phó chủ nhiệm khoa; GVC.ThS.Thái Thanh Tùng – Phó chủ nhiệm khoa; các thầy cô giáo vụ: thầy Cao Mạnh Toàn, cô Nguyễn Thanh Thủy, cô Nguyễn Ngọc Bích; cùng toàn thể các thầy cô giáo phụ trách các Bộ môn và các bạn sinh viên các khóa, các hệ Đào tạo khoa CNTT đến tham gia gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với Lãnh đạo khoa.

Sau phần phát biểu mở đầu buổi đối thoại của TS Trương Tiến Tùng và ThS Nguyễn Xuân Sơn, các câu hỏi từ phía sinh viên đã liên tiếp được đặt ra trực tiếp với lãnh đạo khoa.

Xoay quanh nội dung đối thoại trực tiếp về các vấn đề trong quá trình học tập, sinh hoạt tại khoa CNTT, tâm tư nguyện vọng của sinh viên, các kiến nghị của sinh viên với khoa, Viện, các sinh viên có rất nhiều câu hỏi thắc mắc dưới 2 hình thức trực tiếp và gián tiếp. 

Phần lớn các câu hỏi liên quan tới các vấn đề đào tạo, cơ sở vật chất, sử dụng phần mềm quản lí mới, hoạt động phong trào, hoạt động hỗ trợ sinh viên....

Liên quan tới các vấn đề đào tạo:

Câu hỏi của SV Hải-10b2: “em thấy kì nghỉ hè kéo dài 3 tháng như vậy có quá dài trong khi thời gian nghỉ 1 tuần lại ít mà không dãn chương trình ra để thời gian hợp lí hơn?”

Câu hỏi của Hải đã được TS.Trương Tiến Tùng trả lời: “Do lịch làm việc, học tập trong 1 năm là cố định theo qui đinh của Bộ GD-ĐT nên khoa không thể tự ý thay đổi được. Cho nên cần phải tận dụng thời gian nghỉ hè đó cho hợp lý để làm việc khác. Từ năm nay trở đi sẽ có 3 học kì nhằm duy trì hệ thống học tín chỉ cho sinh viên khóa 11 trở đi. Đó cũng là cơ hội để các bạn không đạt môn nào đó học lại để theo kịp các bạn khác, là cơ hội để các bạn học tốt có thể vượt môn hoàn thành sớm chương trình đào tạo.” Thầy cũng nhấn mạnh rằng: “lịch học 1 tuần 5 buổi là do đặc thù của ngành CNTT chia làm nhiều đoạn nên ta vất vả đoạn này thì đoạn sau ta sẽ tự tin hơn, vẻ vang hơn!”

TS.Trương Tiến Tùng trả lời các câu hỏi của sinh viên

Một SV có câu hỏi: “khoa ta có việc học song bằng vậy sau khi học song SV sẽ được nhận bằng chính quy hay tại chức? Điều kiện để được làm đồ án tốt nghiệp? SV sẽ được giúp gì từ khoa, Viện?”

TS.Trương Tiến Tùng trả lời cho câu hỏi này: “Theo quy chế của Viện, SV được học song bằng và được quản lí theo hệ chính quy. Vì thế, khi nhận bằng là bằng chính quy nhưng trong quá trình học song bằng thì văn bằng 2 phụ thuộc vào văn bằng 1. Nghĩa là SV phải luôn duy trì được kết quả văn bằng 1 của mình ở mức khá thì việc học văn bằng 2 mới được công nhận. Điều kiện để làm đồ án tốt nghiệp là điểm TB của 3 năm học phải lớn hơn hoặc bằng 7. Do được nhận đồ án sớm nên quy trình kiểm soát cũng rất ngặt nghèo. Tất cả chỉ nhằm mục đích duy trì chất lượng đồ án ngày càng tốt hơn. Và mỗi SV nên biết được bảo vệ đồ án thì ra trường thấp nhất cũng là tấm bằng loại khá nên rất thuận lợi cho quá trình tìm kiếm công việc sau khi ra trường. Mỗi SV được bảo vệ đồ án sẽ được khoa phân công giáo viên hướng dẫn phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của SV.”

Một SV khóa 11 hỏi: “ở cuối kì thi SV muốn sử dụng các phòng trống của nhà trường để học nhóm thì phải đăng kí như thế nào?”

Với câu hỏi này TS.Trương Tiến Tùng trả lời:“Thời gian làm việc 1 ngày của khoa từ 6h45' – 20h45' trong thời gian đó nếu SV nào có nhu cầu muốn sử dụng phòng trống có thể gặp trực tiếp Giáo vụ- thầy Cao Mạnh Toàn hoặc bộ phận trực giáo vụ như thầy Trường, cô Tuyết.... để đăng ký sử dụng phòng trống. Khi đã đăng ký được thì SV theo lịch đăng kí đó tới gặp bảo vệ để nhận chìa khóa phòng và sau khi sử dụng xong thì bàn giao lại cho bảo vệ như đi học bình thường. Còn các vấn đề liên quan tới vấn đề môn học,..mà chưa hiểu hết thì SV có thể gặp, trao đổi với thầy Dương Thăng Long.”

Câu hỏi tiếp theo được đặt ra là: “Việc bảo vệ đồ án năm cuối có thể cho SV khóa dưới tham gia cùng không?”

Thầy Dương Thăng Long phân tích câu hỏi của bạn SV này có ý là SV năm cuối làm đồ án thì các SV khóa dưới muốn tiếp nhận dự án đó để tiếp tục phát triển liệu có được không? Thầy Trương Tiến Tùng khẳng định là được. “Nhưng đề tài tham gia đó phải là 1 đề tài lớn và được chia ra làm nhiều modul, mỗi năm học các bạn làm được 1 số modul nhất định tương ứng rồi tận dụng kết quả của các năm trước để làm đồ án. Và thầy đã bật mí 1 dự án còn bỏ ngỏ và đang được quan tâm đó là bài toán xếp lịch nếu SV nào có thể tham gia thì hãy đăng ký đề tài này!”

Một SV hệ Cao đẳng hỏi: “ Thi tốt nghiệp hệ Cao đẳng như thế nào?”

Giải đáp câu hỏi này, thầy Trương Tiến Tùng nói: “ Khi thi tốt nghiệp tùy theo môn học mà hình thức thi có thể là lý thuyết hoặc thực hành. Với những môn thi lý thuyết đề sẽ do tổ bộ môn đưa ra còn với những môn thi thực hành sẽ có các hướng như bài tập về quản lí, bài tập học thuật, bài tập đồ họa điều khiển trò chơi... Theo dự kiến của nhà trường việc thi tốt nghiệp vào khoảng 15/6, khoảng giữa tháng 5 sẽ có nhưng thông báo trên website mong các SV theo dõi cập nhật kịp thời.”

“ Học tín chỉ không qua phải học lại, không được thi lại?”

TS.Dương Thăng Long trả lời các câu hỏi của sinh viên

TS.Dương Thăng Long cho biết: “Theo quy chế 43 của Bộ GD-ĐT quy định không đạt môn nào thì học lại môn đó không được thi lại." (khoản 1 điều 20 qui chế 43 nêu rõ "Cuối mỗi học kỳ, trường tổ chức một kỳ thi chính và nếu có điều kiện, tổ chức thêm một kỳ thi phụ để thi kết thúc học phần. Kỳ thi phụ dành cho những sinh viên không tham dự kỳ thi chính hoặc có học phần bị điểm F ở kỳ thi chính và được tổ chức sớm nhất là hai tuần sau kỳ thi chính.")

Một bạn hỏi “Trong quá trình học, ngoài tiếng Anh thì tiếng Trung và tiếng Nhật cũng rất có ích. Khoa có thể mở thêm lớp dạy tiếng Nhật được không?”

Thầy Trương Tiến Tùng nói: “Việc học ngôn ngữ là rất có ích. Khoa ta hiện có quan hệ rất tốt với khoa tiếng Trung. Nếu SV có nguyện vọng học thêm tiếng Trung hay tiếng Nhật có thể đăng kí tại Trung tâm hỗ trợ SV, nếu đủ số lượng người thì sẽ mở lớp.”
...

Liên quan tới các vấn đề cơ sở vật chất:

  • Xin 1 khu truy cập wifi cho SV học tập.

  • Có thể giúp SV mua vé xe tháng được không vì tiền gửi xe quá đắt?

  • Mắc thêm điều hòa và cải thiện 1 số máy tính.

Thầy Trương Tiến Tùng trả lời cho từng vấn đề: “Về việc truy cập wifi SV có thể xuống trung tâm hỗ trợ SV- tầng trệt. Do bảo vệ trông, giữ xe không thuộc sự quản lý của khoa nên khoa sẽ cố gắng đàm phán với đơn vị chủ quản của bộ phận trông giữ xe và sẽ trả lời cho SV sớm. Hệ thống máy tính của trường đúng là có máy tính lâu năm đã cũ, bên phía nhà trường đã có 1 bộ phận chuyên về phần cứng và đợt hè các SV tình nguyện cùng tới tham gia bảo trì máy nhưng chỉ đáp ứng được 1 số nhu cầu vậy xin Thầy Nguyễn Xuân Sơn có ý kiến với Viện cho khoa được mua thêm 1 phòng máy mới. Theo cơ chế 11 quy định của chính phủ thì việc mắc điều hòa là khó khăn vì trường ta là trường công lập và chi phí mắc, sử dụng nó là phí gia tăng...”

“Có tin chuyển cơ sở thì sẽ chuyển đi đâu?”

Thầy Nguyễn Xuân Sơn trả lời: “ Thực hiện theo nghị định chính phủ các cơ sở GD, y tế sẽ phải chuyển dần xa trung tâm Hà Nội. Trong thời gian khoảng 5-7 năm nữa thì chúng ta sẽ được thấy cơ sở mới.”

Liên quan tới các vấn đề sử dụng phần mềm quản lí mới:

Một sinh viên gửi câu hỏi “Em muốn có 1 diễn đàn chính thức.”

Câu hỏi này được thầy Thái Thanh Tùng cho biết: “Diễn đàn chính thức thì có 2 hình thức là diễn đàn online và diễn đàn tập trung. Khoa ta đã có 1 hệ thống Forum online đi vào hoạt động từ năm 2003 tới giờ. Đây là nơi mà các SV có thể trao đổi với nhau cả về lí thuyết, bài tập, được giải đáp thắc mắc...với sự hướng dẫn của giáo viên phụ trách hệ thống.”


Thầy Thái Thanh Tùng đang trả lời câu hỏi của sinh viên

Để trả lời cho câu hỏi: “Vì sao tài khoản của SV lại không được miễn phí mà phải đăng kí dưới trung tâm hỗ trợ sinh viên- tầng trệt?” thầy Thái Thanh Tùng cho biết: “Hệ thống CTMS trong thời gian sử dụng thử nghiệm đã tạo ra rất nhiều dịch vụ gia tăng đáp ứng được những nhu cầu của SV. Nhưng để quản lí các thông tin SV chặt chẽ, đảm bảo tính an toàn, đúng đắn thì việc thu phí thấp là 1 giải pháp khiến mỗi SV phải có trách nhiệm với tài khoản của mình đã đăng kí. Khi truy cập xem thông tin trên website là miễn phí chỉ khi SV truy cập với mục đích xem điểm, lịch học (trong các tiện ích của CTMS) thì mới tính phí”

Câu hỏi được khá nhiều bạn quan tâm: “Trung tâm Online đang tuyển cộng tác viên, nếu đăng kí thì cần những điều kiện gì?” (Trung tâm Online là tên gọi tắt của Trung tâm Công nghệ và Dịch vụ trực tuyến)

Thầy Thái Thanh Tùng đáp: “tiêu chí đặt ra là SV đó phải có kiến thức cơ sở về lập trình, có khả năng tiếp thu thêm công nghệ mới. Những dự án được giao là những dự án đang cần thiết được triển khai, tham gia vào các dự án này các SV sẽ được nâng cao kĩ năng mềm, SV có kiến thức cơ sở, có trách nhiệm, yêu thích và có mong muốn thì có thể tới phòng 14- tầng 1 để tìm hiểu thêm.”

Liên quan tới các vấn đề phong trào hoạt động, hoạt động hỗ trợ sinh viên:

Thầy Trương Tiến Tùng khẳng định phong trào khoa ta có nhưng thế mạnh như văn nghệ, thể thao, tình nguyện... và sắp tới có thể sẽ mở thêm lớp khiêu vũ cho các SV có đam mê, yêu thích bộ môn này.

Thầy Nguyễn Xuân Sơn phát biểu ý kiến: “Hiện nay, Phòng công tác chính trị và sinh viên giải quyết về các giấy tờ liên quan đến sinh viên, cấp giấy xác nhận vay vốn, giới thiệu việc làm cho sinh viên,… Nếu sinh viên có nhu cầu thì liên hệ Phòng sẽ được các cán bộ hỗ trợ.”
...

Thông qua buổi đối thoại này các thầy đã chia sẻ 1 số kỉ niệm của mình trong thời gian học tập và sinh sống ở nước ngoài, những kỉ niệm vui khiến SV có những tiếng cười sảng khoái nhưng cũng giúp cho mỗi SV có mặt trong buổi hôm nay học hỏi được thêm nhiều điều hay và bổ ích.

Sau hơn 2 giờ trao đổi thẳng thắn trên tinh thần cởi mở, lắng nghe, sinh viên Thảo lớp 11b2 phát biểu cảm nghĩ: “buổi trao đổi trực tiếp hôm nay rất hay, có ích,thông qua buổi đối thoại này các SV có thể nêu ý kiến, thắc mắc của bản thân SV với lãnh đạo khoa và hầu hết đã được các thầy đã giải đáp hay và hợp lý. Hi vọng rằng khoa mình sẽ có nhiều buổi đối thoại trực tiếp như thế này!”

Đây là buổi đối thoại đầu tiên được diễn ra tại khoa CNTT có ý nghĩa nhằm giúp lãnh đạo khoa và Viện nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của các sinh viên đang theo học - qua đó có những điều chỉnh nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động đào tạo. Buổi đối thoại đã diễn ra trong không khí cởi mở, không có rào cản trong việc sinh viên nói lên những tâm tư, nguyện vọng của mình trong thời gian học tập và sinh hoạt ở khoa,Viện. Hơn 40 câu hỏi đã được lãnh đạo khoa và Viện giải đáp trực tiếp cho sinh viên trong buổi đối thoại này.

Kết thúc buổi đối thoại, TS Trương Tiến Tùng cho biết thêm: vào tháng 4 tới đây khoa CNTT sẽ có 1 bộ phận chuyên giải đáp các nhu cầu, nguyện vọng của SV trong quá trình học tập sinh hoạt tại khoa. Phòng có sức chứa khoảng 15 SV đối thoại trực tiếp với các thầy trong Ban lãnh đạo khoa CNTT, nếu số lượng SV lớn sẽ dành ra 1 buổi để đối thoại trực tiếp như buổi đối thoại này. Đây là cơ hội để các SV đối thoại trực tiếp với lãnh đạo khoa, phản ánh nhưng tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, những mặt được và chưa được của khoa để từ đó chúng ta sẽ có cơ hội nhìn nhận, đánh giá lại và đề ra các biện pháp giải quyết hợp lý để khoa CNTT của chúng ta phát triển tốt hơn.

(17487 lần xem)