Ngày nay, hầu như ngành nghề, lĩnh vực hay hoạt động nào trong xã hội hiện đại cũng cần tới sự góp mặt của Công nghệ thông tin (CNTT).
Điều gì khiến CNTT trở nên quan trọng? Đó chính là nhu cầu đối với sản phẩm của ngành này vô cùng lớn và ngày càng tăng. Bất cứ đâu cũng có thể thấy sự hiện diện của CNTT, có thể là chiếc điện thoại đang dùng với rất nhiều phần mềm được cài sẵn bên trong, hoặc mỗi khi đi rút tiền ở ATM. Cứ như vậy, từ ngân hàng tới hàng không, từ viễn thông tới cả những lĩnh vực như an ninh quốc phòng hay dịch vụ y tế, ở đâu ứng dụng của CNTT cũng vô cùng quan trọng. Vì vậy, để vận hành, phát triển các hệ thống và các ứng dụng công nghệ thông tin, đòi hỏi một nguồn nhân lực rất lớn và vẫn còn tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.
Ngành CNTT cần nhân lực cho những công việc gì? Hẳn chúng ta đã từng nghe đâu đó về: Lập trình viên(programmer), Kĩ sư kiểm thử (Tester), Kĩ sư Đảm bảo/Kiểm soát chất lượng (SQA, SQC), Chuyên viên phân tích nghiệp vụ (BA) - là những người tham gia vào quá trình tạo ra các phần mềm cho máy tính, thiết bị di động và các hệ thống lớn; hay Quản trị mạng (Network Administrator) là những người thiết kế, vận hành và theo dõi các hệ thống mạng trong các cơ quan, tổ chức; Quản trị cơ sở dữ liệu (DB Administrator) những người quản lý, khai thác và đảm bảo sự an toàn cho dữ liệu số của các cơ quan, tổ chức, nhân lực CNTT còn có thể tham gia các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu và còn nhiều vị trí công việc khác nữa
Đại diện công ty Panasonic Việt Nam tại Hội thảo hướng nghiệp tại khoa CNTT - Viện ĐH Mở HN để chia sẻ kinh nghiệm và tuyển dụng nhân lực trực tiếp[3]
CNTT có tầm quan trọng với nền kinh tế là vậy nhưng ở thời điểm hiện tại thì nhu cầu nhân lực của ngành CNTT đang tăng cao và khan hiếm. Dự kiến trong 6 - 7 năm tới, Việt Nam sẽ thiếu gần 500.000 nhân lực làm CNTT[1]. Vừa qua, Việt Nam được các tổ chức quốc tế xếp hạng nhất về khả năng được đối tác quốc tế tín nhiệm giao việc. Các doanh nghiệp CNTT Việt Nam ngày càng có nhiều đơn hàng lớn nhưng không biết làm thế nào để có người làm. Để đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới, các doanh nghiệp không còn cách nào khác là buộc phải đưa cơ hội việc làm ra nước ngoài vì nhân lực trong nước quá thiếu hụt. Nhiều công ty vì hết người nên đã buộc phải ra nước ngoài để tuyển dụng. Vì thị trường Việt Nam quá thiếu lao động nên phải ra nước ngoài để tìm nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công việc[2]. Nếu hiện trạng thiếu hụt nhân lực vẫn diễn ra trong thời gian tới thì rất nhiều cơ hội việc làm sẽ không đến với Việt Nam mà đến với các dân tộc khác trên thế giới. Với những bạn sinh viên có chuyên môn giỏi và năng lực ngoại ngữ tốt có thể làm vị trí Kỹ sư cầu nối (BrSE) là người đứng giữa, kết nối khách hàng với người làm kỹ thuật, người làm kinh doanh của doanh nghiệp.
Để thoả mãn nguồn lực lao động cho mình, các doanh nghiệp phải săn đón sinh viên CNTT ngay từ khi đang học năm thứ ba, thứ tư đại học, sẵn sàng tạo cơ hội thực tập, sẵn sàng kí hợp đồng ngay cả khi SV chưa được nhận bằng, sẵn sàng đưa các bạn ra nước ngoài tu nghiệp để quay về cống hiến cho công ty. Đây chính là cơ hội vàng cho những thanh niên Việt Nam biết nắm bắt cơ hội, lựa chọn ngành và rèn luyện mình để đáp ứng được với nghề.
[1] http://www.vinasa.org.vn/tabid/125/language/vi-VN/default.aspx#AD,594,3851
[2] http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/thieu-hut-nhan-luc-cong-nghe-thong-tin-o-muc-bao-dong-do-3241056.html
[3] Nhiều điều bổ ích được chia sẻ tại Hội thảo Hướng nghiệp sinh viên khoa CNTT hè 2015