Bản mô tả Chương trình đào tạo Kĩ sư Ngành CNTT - Phần 4/4

26/12/2024 12:57
phần này chứa Mô tả tóm tắt các học phần

9. Mô tả tóm tắt các học phần

9.1. Triết học Mác-LêNin

Triết học Mác-LêNin một trong ba bộ phận cấu thành nên Chủ nghĩa Mác. Trong đó, khái quát toàn bộ những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác-LêNin về những nguyên lý, quy luật và các cặp phạm trù cơ bản về sự vận động, biến đổi, phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy. Học phần gồm 3 chương. Chương 1: Khái niệm chung về triết học, triết học Mác-LêNin và vai trò của Triết học trong đời sống xã hội; Chương 2: Nghiên cứu những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng về vật chất và ý thức, về nội dung phép biện chứng duy vật và lý luận nhận thức của chủ nghĩa duy vật biện chứng ; Chương 3: Nghiên cứu những nội dung cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử về hình thái kinh tế xã hội, giai cấp và dân tộc, nhà nước và cách mạng xã hội, ý thức xã hội, triết học về con người. Nghiên cứu học phần này góp phần giúp người học hình thành thế giới quan duy vật khoa học, nguyên tắc phương pháp luận đúng đắn trong nhận thức và hoạt động thực tiễn, góp phần giải quyết có hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra.

9.2. Kinh tế chính trị Mác-LêNin

Học phần kinh tế chính trị là chương trình bắt buộc trong chương trình đào tạo các chuyên ngành, đặc biệt có ý nghĩa đối với khối chương trình KINH TẾ. Học phần kinh tế chính trị cung cấp tri thức khoa học về đối tượng nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu và chức năng của kinh tế chính trị. Các nội dung cơ bản của học phần trang bị cho sinh viên các phạm trù, các quy luật kinh tế của nền kinh tế thị trường; trang bị kiến thức về kinh tế thị trường của chủ nghĩa tư bản trong các giai đoạn “tự do cạnh tranh” và “giai đoạn độc quyền” ; Từ đó, trang bị cơ sở lý luận về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; cung cấp cơ sở lý luận về các quan hệ lợi ích trong nền kinh tế thị trường; giúp sinh viên hiểu về đường lối phát triển KT - XH của Nhà nước Việt Nam; giải thích được các xu hướng thực tiễn của nền kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập KTQT hiện nay. Học phần kinh tế chính trị giúp sinh viên giải thích được các vấn đề KT - CT - XH trong nước và trên thế giới, cũng như ứng dụng trong việc giải quyết các bài toán lợi ích kinh tế của mỗi quốc gia. 

9.3. Chủ nghĩa xã hội khoa học

Chủ nghĩa xã hội khoa học là một trong ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác-LêNin. Học phần này giúp người học nắm được những tri thức cốt lõi nhất về chủ nghĩa xã hội khoa học: về sự ra đời, đối tượng, phương pháp cách mạng, tính tất yếu của sự ra đời của HTKT - XHCSCN; về sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân; về cơ cấu xã hội giai cấp và liên minh giai cấp, tầng lớp; vấn đề dân tộc, tôn giáo và vấn đề gia đình trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Từ đó người học được nâng cao năng lực hiểu biết, vận dụng những tri thức đó vào việc xem xét đánh giá những vấn đề chính trị - xã hội của đất nước và con đường đi lên CNXH ở nước ta, có thái độ chính trị đúng đắn về môn học này nói riêng và chủ nghĩa Mác - LêNin nói chung.

9.4. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam

Học phần thuộc khối kiến thức cơ bản, cung cấp cho sinh viên hệ thống kiến thức về: Đối tượng, chức năng, nhiệm vụ, nội dung và phương pháp nghiên cứu, học tập môn học; sự ra đời và lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930-1945), kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1954), xây dựng chủ nghĩa xã hội và thực hiện công cuộc đổi mới từ năm 1975 đến nay.

Trang bị cho sinh viên phương pháp tư duy khoa học về lịch sử, khả năng làm việc nhóm, thuyết trình, biết vận dụng vào phân tích, đánh giá những vấn đề chính trị hiện nay.

Sinh viên có được niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, lòng tự hào, tự tôn về lịch sử oai hùng của Đảng, có ý thức xây dựng bảo vệ Đảng; biết cách vận dụng đường lối của Đảng vào cuộc sống và lý giải nhiều vấn đề thực tiễn đang đặt ra.

9.5. Tư tưởng Hồ Chí Minh

Tư tưởng Hồ Chí Minh là học phần cơ sở bắt buộc trong chương trình đào tạo đại học của tất cả các chuyên ngành. Học phần có sáu chương, trang bị cho sinh viên có kiến thức có tính hệ thống của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với Đảng và dân tộc Việt Nam. Sau khi học xong học phần, sinh viên có được các kỹ năng giải quyết vấn đề trong thực tiễn đời sống; hình thành trong sinh viên bản lĩnh chính trị, lòng yêu nước, trung thành với mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; sinh viên thấy được trách nhiệm của bản thân trong việc học tập, rèn luyện để góp phần vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

9.6. Pháp luật đại cương

Là học phần bắt buộc trong chương trình đào tạo của sinh viên bậc đại học thuộc khối kiến thức đại cương dành cho các chuyên ngành đào tạo trừ chương trình đào tạo của ngành Luật kinh tế, Luật Quốc tế, Luật. Học phần được tổ chức đào tạo vào học kì 1 hoặc 2 của năm thứ nhất. Sau khi học xong học phần này, sinh viên nắm vững và phân tích được những vấn đề lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật. Sinh viên biết vận dụng những kiến thức đã học trong việc giải quyết một cách chủ động, tích cực những vấn đề liên quan đến pháp luật tại nơi học tập, làm việc và trong cộng đồng dân cư. Biết phân biệt tính hợp pháp, không hợp pháp của các hành vi biểu hiện trong đời sống hàng ngày. Có khả năng tổ chức các hoạt động góp phần thực hiện kỷ luật học đường, kỷ cương xã hội. Từ đó giúp cho sinh viên tôn trọng pháp luật, rèn luyện tác phong sống và làm việc theo pháp luật. 

9.7. Tiếng Anh cơ bản 1

Học phần TACB1 trang bị cho sinh viên kiến thức ngữ pháp cơ bản về các thì: hiện tại đơn, hiện tại tiếp diễn, hiện tại hoàn thành, quá khứ đơn, tương lai gần, so sánh tính từ, tính từ chỉ định, đại từ chỉ định, … và rèn luyện 4 kỹ năng giao tiếp: nghe, nói, đọc, viết cho sinh viên năm thứ nhất về các chủ đề quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày như học tập, công việc, gia đình, người thân, bạn bè, nhà cửa, sở thích, quê quán, …

Sau khi kết thúc học phần, sinh viên có thể hiểu, sử dụng các cấu trúc quen thuộc thường nhật, các từ ngữ cơ bản đáp ứng giao tiếp cụ thể; có thể tự trình bày ngắn gọn, đọc hiểu, nghe hiểu và viết đoạn văn ngắn (120 từ) với các chủ đề nêu trên. Sinh viên có thể giao tiếp đơn giản nếu người đối thoại nói chậm, rõ ràng và sẵn sàng hợp tác giúp đỡ.

9.8. Tiếng Anh cơ bản 2

Học phần TACB2 trang bị cho sinh viên kiến thức ngữ pháp cơ bản về các thì: hiện tại đơn, hiện tại tiếp diễn, hiện tại hoàn thành, hiện tại hoàn thành tiếp diễn, quá khứ đơn, quá khứ tiếp diễn, quá khứ hoàn thành, tương lai gần, tương lai với Will, hiện tại tiếp diễn với nghĩa tương lai, thể bị động, so sánh hơn kém và bậc cao nhất của tính từ, mạo từ, động từ khuyết thiếu, câu điều kiện loại 1 và 2, … và rèn luyện 4 kỹ năng giao tiếp: nghe, nói, đọc, viết cho sinh viên về các chủ đề quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày như học tập, công việc, gia đình, người thân, bạn bè, nhà cửa, sở thích, quê quán, … Sinh viên có thể hiểu được các câu và cấu trúc thường xuyên được sử dụng liên quan đến nhu cầu giao tiếp tối cần thiết (như các thông tin về gia đình, bản thân, đi mua hàng, hỏi đường, việc làm); có thể giao tiếp và trao đổi thông tin về những chủ đề đơn giản; có thể tự trình bày ngắn gọn, đọc hiểu, nghe hiểu và viết được email và đoạn văn ngắn (120 từ) về các chủ đề nêu trên.

9.9. Tiếng Anh cơ bản 3

Học phần TACB3 trang bị cho sinh viên kiến thức ngữ pháp liên quan đến: các thời ngữ pháp ở hiện tại, các thời ngữ pháp ở tương lai, cấu trúc đưa ra lời khuyên, sự bắt buộc và cho phép, các câu hỏi lấy thông tin, hiện tại hoàn thành đơn và hiện tại hoàn thành tiếp diễn, câu điều kiện loại 2 và 3, cụm danh từ, động từ khuyết thiếu chỉ khả năng, câu gián tiếp và rèn luyện 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết cho sinh viên về các chủ đề quen thuộc trong hàng ngày như học tập, công việc, gia đình, người thân, bạn bè, giao tiếp xã hội, cách đưa ra quan điểm, lời yêu cầu và đề nghị, cách lên lịch cuộc hẹn, …

Kết thúc cấp học phần, sinh viên có thể:

  • Hiểu được các ý chính của một diễn ngôn tiêu chuẩn, rõ ràng về các vấn đề quen thuộc trong công việc, trường học, giải trí, …

  • Xử lý hầu hết các tình huống có thể xảy ra khi đi đến nơi sử dụng ngôn ngữ

  • Viết đơn giản nhưng liên kết về các chủ đề quen thuộc hoặc cá nhân quan tâm

  • Mô tả được những kinh nghiệm, sự kiện, giấc mơ, hoài bão, hy vọng và hoài bão

  • Trình bày ngắn gọn các lý do, giải thích cho ý kiến và kế hoạch của mình.

9.10. Giải tích 1

Học phần Giải tích 1 thuộc khối kiến thức khoa học cơ bản, cung cấp những kiến thức cơ bản về hàm số một biến số, giới hạn, đạo hàm, vi phân, tích phân, chuỗi số, chuỗi hàm số và ứng dụng.

9.11. Giải tích 2

Học phần Giải tích 2 thuộc khối kiến thức khoa học cơ bản, cung cấp những kiến thức cơ bản về hàm số nhiều biến số, tích phân bội, tích phân đường, tích phân mặt và phương trình vi phân.

9.12. Lý thuyết xác suất và thống kê toán học

Học phần Xác suất thống kê thuộc khối kiến thức giáo đại cương, cung cấp những kiến thức cơ bản của xác suất thống kê, một số quy luật phân phối xác suất thông dụng; phương pháp cơ bản giải quyết bài toán ước lượng tham số, kiểm định giả thuyết thống kê. Từ đó sinh viên bước đầu biết phân tích, tổng hợp số liệu, xử lý thông tin liên quan đến chuyên ngành.

9.13. Đại số và hình giải tích

Học phần Đại số và hình giải tích thuộc khối kiến thức đại cương, cung cấp những kiến thức cơ bản về Đại số tuyến tính và hình học giải tích, bao gồm các nội dung: ma trận, định thức, hệ phương trình tuyến tính, không gian véc tơ; ánh xạ tuyến tính, không gian Euclide và dạng toàn phương.

9.14. Thiết kế Web

Học phần thiết kế web thuộc khối kiến thức ngành của chương trình đào tạo ngành CNTT cung cấp kiến thức, kỹ năng giúp người học có thể áp dụng nguyên tắc thiết kế đồ hoạ và sử dụng công cụ đồ hoạ để thiết kế và triển khai một website. 

Học phần này trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về Internet, world wide web, giao thức HTTP, giao thức FTP, website, ngôn ngữ HTML. Trang bị kiến thức về nguyên tắc thiết kế đồ hoạ cơ bản và nguyên tắc thiết kế web, quy trình xây dựng website và quy trình xuất bản một website.

9.15. Mạng và truyền thông

Học phần Mạng và Truyền thông là một môn học thuộc lĩnh vực Mạng và Kỹ thuật máy tính. Sau khi hoàn thành học phần, sinh viên sẽ có khả năng triển khai, vận hành và quản lý các hệ thống mạng và truyền thông, và đưa ra các giải pháp để tối ưu hiệu suất mạng. Học phần giải thích cách các thiết bị máy tính, server và thiết bị mạng khác có thể kết nối với nhau để truyền tải thông tin qua mạng trên cơ sở mô hình tham chiếu OSI. Học phần này bao gồm các khái niệm cơ bản về mạng máy tính và các giao thức truyền thông như TCP/IP, HTTP, FTP, DNS, SMTP, IMAP… Học phần cũng bao gồm các chủ đề về quản lý địa chỉ IP và nâng cao hiệu suất của mạng. Sinh viên sẽ được giới thiệu các công nghệ mạng hiện đại như mạng LAN, mạng WAN, mạng WLAN, mạng VPN, và học cách cấu hình và quản lý các thiết bị mạng như router, switch, và các dịch vụ mạng khác.

9.16. Kỹ thuật lập trình hướng đối tượng

Học phần Kỹ thuật lập trình hướng đối tượng thuộc khối cơ sở ngành của Chương trình đào tạo ngành CNTT cung cấp kiến thức, kỹ năng giúp người học có thể phân tích, thiết kế, xây dựng và đánh giá các ứng dụng CNTT theo kỹ thuật hướng đối tượng. Ngôn ngữ lập trình Java được sử dụng trong học phần này để triển khai xây dựng ứng dụng CNTT dựa trên kỹ thuật lập trình hướng đối tượng. Để đạt được mục tiêu này, học phần kỹ thuật lập trình hướng đối tượng tập trung vào các nội dung về phân tích và thiết kế đối tượng, ngôn ngữ lập trình Java, triển khai lớp, đối tượng, kế thừa và cơ chế triển khai, đa hình, trừu tượng, vào ra cơ bản trong Java,...

9.17. Lập trình hướng sự kiện

Học phần Lập trình Hướng sự kiện thuộc khối kiến thức ngành, cung cấp kiến thức, kỹ năng giúp người học có thể xây dựng được các phần mềm hoạt động trên nền MS Windows nhằm đáp ứng yêu cầu của các bài toán quản lý. Để đạt được mục tiêu này, học phần Lập trình Hướng sự kiện sẽ cung cấp cho người học các nội dung về Lập trình trên công nghệ Microsoft .NET Windows Form; Khai thác cơ sở dữ liệu quan hệ bằng ADO.NET; Tạo lập báo cáo bằng Crystal Report. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, học phần này còn giúp người học phát triển khả năng làm việc nhóm, tăng cường kỹ năng giao tiếp, viết báo cáo và thuyết trình khi trình bày các dự án phần mềm của mình.

9.18. Hệ quản trị cơ sở dữ liệu

Học phần Hệ quản trị CSDL thuộc khối kiến thức Ngành trong ngành Công nghệ Thông tin, được xây dựng nhằm cung cấp cho sinh viên kiến thức và kỹ năng cần thiết để làm việc với các cơ sở dữ liệu (CSDL) ứng dụng trong các hệ thống thông tin. Qua học phần này, sinh viên sẽ hiểu được vai trò quan trọng phần mềm quản trị CSDL trong việc tạo lập , khai thác, quản trị cơ sở dữ liệu tập trung và phân tán để đáp ứng yêu cầu của các bài toán quản lý đồng thời thực hiện được việc tạo lập, khai thác, quản trị CSDL tập trung và phân tán. Để đạt được mục tiêu trên, sinh viên sẽ được học về tạo lập và khai thác cơ sở dữ liệu trên SQL Server, một hệ quản trị cơ sở dữ liệu phổ biến và quan trọng; được học cách cài đặt cơ sở dữ liệu, thêm, sửa, xóa và trích xuất dữ liệu; cách quản lý người dùng, phân cấp truy cập và sao lưu - phục hồi cơ sở dữ liệu để đảm bảo an toàn và bảo mật dữ liệu cả bằng truy vấn SQL và bằng công cụ của SQL Server. Ngoài ra, sinh viên sẽ được học cách chia tách CSDL tập trung thành các CSDL đáp ứng các yêu cầu phân tán, cài đặt, khai thác và quản trị các CSDL đó trên môi trường phân tán.

9.19. Phân tích và thiết kế hệ thống thông tin

Học phần Phân tích và thiết kế Hệ thống thông tin (PTTK) là một học phần quan trọng thuộc khối kiến thức Ngành trong ngành Công nghệ Thông tin, giúp sinh viên có thể hiểu và áp dụng được toàn bộ quá trình PTTK một hệ thống thông tin (HTTT): từ khảo sát, phân tích đến thiết kế hệ thống. Sau khi hoàn thành khóa học này, sinh viên sẽ có kiến thức và kỹ năng để phân tích và thiết kế các hệ thống thông tin phù hợp với các yêu cầu trong thực tế đồng thời trình bày hồ sơ PTTK đó một cách đầy đủ và chính xác. Để đạt được mục tiêu này, học phần PTTK sẽ cung cấp cho người học các nội dung về (1) Khảo sát và xác định yêu cầu; (2) Phân tích hệ thống về chức năng và dữ liệu; (3) Thiết kế hệ thống về kiến trúc, về dữ liệu, về giao diện, về bảo mật, về xử lý chi tiết tức mức logic đến mức vật lý; (4) mô hình hóa, đặc tả và đánh giá chất lượng các kết quả PTTK; (5) Bên cạnh kiến thức chuyên môn, học phần này còn giúp người học phát triển khả năng làm việc nhóm, tăng cường kỹ năng giao tiếp, viết báo cáo và thuyết trình khi trình bày dự án mình.

9.20. Nhập môn Khai phá dữ liệu và máy học

Học phần Nhập môn Khai phá dữ liệu và máy học thuộc khối kiến thức Ngành trong ngành CNTT, cung cấp cho người học những kiến thức, kỹ năng quan trọng để (1) phát triển được những giải pháp thông minh, (2) khai thác thông tin hữu ích từ dữ liệu để phục vụ các yêu cầu thực tế. Để đạt được những mục tiêu trên, học phần này sẽ cung cấp cho người học hiểu biết cơ bản về khai phá dữ liệu và máy học; các nguyên lý, các khái niệm, các thuật toán, các quy trình, phương pháp và công cụ từ đó đề xuất và phát triển thành các giải pháp dựa trên việc phân tích dữ liệu và ứng dụng các mô hình dự đoán hiệu quả. Ngoài ra, người học sẽ được rèn luyện tư duy phân tích, giải quyết vấn đề dựa trên dữ liệu; làm việc nhóm và thuyết trình hiệu quả.

9.21. Thiết kế trải nghiệm người dùng

Học phần Thiết kế trải nghiệm người dùng thuộc khối kiến thức ngành, cung cấp kiến thức, kỹ năng giúp người học có thể thực hiện nghiên cứu về người dùng của các sản phẩm số cũng như các dịch vụ của các cơ quan, tổ chức; xác định đúng các vấn đề của người dùng dựa trên kết quả nghiên cứu có chất lượng, đề xuất giải pháp thiết kế, sản phẩm thiết kế giải quyết các vấn đề đã xác định; đo lường và đánh giá được hiệu quả của các sản phẩm thiết kế từ đó cải thiện nhằm giải quyết tốt hơn các vấn đề của người dùng. Để đạt được mục tiêu này, học phần Thiết kế trải nghiệm người dùng sẽ cung cấp cho người học các nội dung về (1) Các nguyên lý thiết kế trải nghiệm người dùng và cách áp dụng chúng vào các sản phẩm số khác nhau, (2) Các quy trình thiết kế trải nghiệm người dùng, (3) Các phương pháp và kỹ năng thực hiện một cách chất lượng các bước trong các quy trình đó để tạo ra sản phẩm với trải nghiệm người dùng tốt, (4) Các phương pháp, tiêu chuẩn thử nghiệm, đánh giá và tạo mẫu sản phẩm đến mức khung dây (hoặc cao hơn) để cải thiện trải nghiệm người dùng. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, học phần này còn giúp người học (5) phát triển khả năng làm việc nhóm, tăng cường kỹ năng giao tiếp, viết báo cáo và thuyết trình khi trình bày các sản phẩm của mình.

9.22. An ninh và bảo mật dữ liệu

Học phần An ninh và bảo mật dữ liệu nằm trong khối cơ sở ngành trong CTĐT ngành CNTT tích hợp cử nhân và kỹ sư. Sau khi học xong học phần này, người học có thể sử dụng thành thạo các công cụ, kỹ thuật để phân tích, đánh giá các kẽ hở an ninh trong các hệ thống CNTT; phân tích và thiết kế được các giải pháp để đảm bảo an ninh, bảo mật dữ liệu với các thuật toán mật mã. Để đạt được các kỹ năng trên, học phần An ninh và bảo mật dữ liệu, cung cấp cho người học những khái niệm cơ bản về an ninh, an ninh thông tin và mô hình phân cấp an ninh, chiến lược và chế độ an ninh tổng quan được triển khai cho các hệ thống thông tin. Mục tiêu chính của an toàn bảo mật thông tin là bảo vệ, duy trì và quản lý tính chất an toàn thông tin nói chung và trên các hệ thống thông tin điện tử nói riêng như bảo mật riêng tư, tính toàn vẹn và tính khả dụng của thông tin, dữ liệu nhằm giảm thiểu những nguy cơ mất an toàn của hệ thống. Dữ liệu có nguy cơ mất an toàn khi được trao đổi trong các hệ thống thông tin mở, đặc biệt trên mạng Internet. Để đảm bảo an toàn cho dữ liệu trong những thời điểm rủi ro, cần áp dụng các lý thuyết mật mã để giữ an toàn cho thông tin dữ liệu trong quá trình truyền tin trên các hệ thống. Học phần này trình bày các nguyên lý mật mã học và giúp người học có khả năng ứng dụng các lý thuyết mật mã trong ứng dụng và xây dựng các giao thức an toàn cho hệ thống thông tin truyền thông.

9.23. Lập trình Web

Lập trình Web là học phần thuộc khối kiến thức Cơ sở ngành của CTĐT ngành CNTT. Học xong học phần này người học có thể vận dụng được các kiến thức và kỹ năng để xây dựng một website cơ bản với giao diện người dùng được tối ưu cho nhiều thiết bị có kích thước hiển thị khác nhau; có các chức năng cơ bản đảm bảo các nghiệp vụ cơ bản cho người sử dụng theo thực tế. Vì vậy, học phần này cung cấp các kiến thức về website, các thành phần cấu tạo nên một website, ngôn ngữ HTML, CSS và ngôn ngữ kịch bản Javascript cũng như các kiến thức về các đối tượng ở phía Server, cách thức sử dụng.

9.24. Lập trình cho thiết bị di động

Lập trình cho thiết bị di động là môn học mang tính chất ứng dụng cao, cung cấp cho người học kiến thức về lập trình di động nói chung và lập trình di động bằng Android nói riêng. Học phần giới thiệu về các phương pháp lập trình cơ bản trên Android, về cấu trúc chung của một dự án Android xây dựng và phát triển các ứng dụng trên di động. Giới thiệu các kỹ thuật xử lý cơ bản như giao diện đồ họa, các kỹ thuật xử lý hệ thống hay dịch vụ cũng như các thư viện để tương tác đến phần cứng của thiết bị và các cơ chế tổ chức lưu trữ dữ liệu trên Android. Sau khi kết thúc học phần, sinh viên có thể áp dụng các kiến thức đã học để xây dựng được một ứng dụng cơ bản hoàn chỉnh trên Android.

9.25. Tiếng Anh chuyên ngành

Học phần Tiếng Anh chuyên ngành Công nghệ thông tin là học phần bắt buộc thuộc khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp trong chương trình đào tạo hệ đại học,dành cho đối tượng sinh viên sau khi đã kết thúc học phần tiếng Anh (TA) cơ bản 1, 2, 3 . Học phần giới thiệu kiến thức cơ bản về các thuật ngữ chuyên môn CNTT , các cấu trúc câu thường gặp trong chuyên ngành công nghệ thông tin. Giúp người học hiểu được các văn bản về công nghệ thông tin, biết  vận dụng kiến thức chuyên ngành tiếng Anh để đọc và nghiên cứu các tài liệu tham khảo về CNTT, và đặc biệt có khả năng đọc các tài liệu học tập, tài liệu mô tả, hướng dẫn sử dụng các công cụ , thiết bị , ứng dụng, dịch và viết được bản tóm tắt khóa luận/ đồ án tốt nghiệp, tóm tắt báo cáo bằng Tiếng Anh.

9.26. Quản trị mạng

Học phần tập trung vào việc nắm bắt các kiến thức và kỹ năng quản trị hệ thống mạng máy tính trong một môi trường công nghiệp hoặc tổ chức. Sau khi hoàn thành học phần, sinh viên có kiến thức và kỹ năng cần thiết để quản lý, bảo trì, vận hành  và duy trì một hệ thống mạng hiệu quả, an toàn. Ngoài ra, nhận biết và xử lý được một số sự cố đơn giản, cấu hình bảo mật cơ bản. Học phần này giới thiệu các khái niệm cơ bản, các giao thức mạng phổ biến của mạng máy tính. Tìm hiểu về cấu trúc, thiết lập kết nối, cấu hình và quản lý mạng bằng các công cụ, phần mềm quản lý hiện đại. Hướng dẫn quản trị nhóm, phân quyền người dùng trên cả hai phiên bản hệ điều hành máy khách và máy chủ. Ngoài ra, giới thiệu và hướng dẫn cài đặt, cấu hình một số dịch vụ hỗ trợ trên hệ điều hành máy chủ như: quản lý thư mục, chính sách nhóm, lưu trữ, định tuyến, cấp phát IP tự động, phân giải tên miền, bảo mật,...

9.27. Kỹ thuật lập trình cơ sở

Học phần Kỹ thuật cơ sở lập trình thuộc khối cơ sở ngành của Chương trình đào tạo ngành Công nghệ thông tin cung cấp kiến thức, kỹ năng ban đầu giúp cho người học bắt đầu làm quen với cách giải quyết các bài toán thực tế trên máy tính.

Học phần này trang bị cho người học các kiến thức về thuật toán và phương pháp biểu diễn thuật toán nói chung, đồng thời trang bị cho người học về ngôn ngữ lập trình C/C++ với các nội dung gồm: nhập xuất dữ liệu, các cấu trúc điều khiển cơ bản, xây dựng chương trình con, các thao tác xử lý và làm việc với mảng, các thao tác xử lý và làm việc với chuỗi, các thao tác làm việc với kiểu cấu trúc, các thao tác làm việc với kiểu tập tin, …

Môn học này là nền tảng cơ sở cho các môn học tiếp theo trong chương trình đào tạo. Môn học này nhằm giúp cho người học:

MT1: Hiểu được các khái niệm cơ bản về lập trình, sử dụng được ngôn ngữ lập trình C/C++ để giải quyết các bài toán cơ bản

MT2: Có khả năng phân tích được bài toán cụ thể, từ đó đưa ra phương án giải quyết của bài toán

MT3: Sử dụng các công cụ của ngôn ngữ lập trình để xây dựng được các chương trình tương ứng

9.28. Toán rời rạc

Học phần Toán rời rạc thuộc khối kiến thức ……., cung cấp những kiến thức cơ bản về lý thuyết tổ hợp, các bài toán đếm, liệt kê, tồn tại, tổ hợp tối ưu, logic, đồ thị hữu hạn và ứng dụng. Qua đó giúp sinh viên có cơ sở học tốt các môn chuyên ngành, có tư duy logic để phân tích, giải quyết vấn đề chính xác, chặt chẽ; có thể biểu diễn và mô hình hóa các vấn đề bằng các mô hình toán rời rạc.

9.29. Cấu trúc dữ liệu và giải thuật

Học phần Cấu trúc dữ liệu và giải thuật thuộc khối cơ sở ngành của Chương trình đào tạo ngành CNTT cung cấp kiến thức, kỹ năng giúp người học có thể xác định được cấu trúc dữ liệu và thuật toán cho một bài toán tin học cụ thể. Đồng thời, giúp người học có thể đánh giá được độ phức tạp của thuật toán khi cài đặt cụ thể. Để đạt được mục tiêu đặt ra, học phần Cấu trúc dữ liệu và Giải thuật tập trung vào các cấu trúc dữ liệu cơ bản như: danh sách liên kết, stack - queue, bảng băm, cây, đồ thị; đồng thời cũng trình bày đầy đủ một số thuật toán cơ bản như: tìm kiếm và sắp xếp;

9.30. Cơ sở dữ liệu

Học phần Cơ sở dữ liệu thuộc khối cơ sở ngành của Chương trình đào tạo ngành CNTT cung cấp kiến thức, kỹ năng giúp người học có thể mô tả và thiết kế cơ sở dữ liệu cho bài toán quản lý. Học phần này trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về cơ sở dữ liệu và kiến thức chuyên sâu về mô hình dữ liệu quan hệ: quan hệ, phụ thuộc hàm, các ràng buộc trên quan hệ, siêu khóa, khóa chính, khóa ngoại, các phép toán đại số quan hệ, bao đóng của tập phụ thuộc hàm, bao đóng của tập thuộc tính, phủ tối thiểu của tập phụ thuộc hàm, thuật toán tìm bao đóng của tập thuộc tính, tìm phủ tối thiểu, thuật toán xác định khóa, các dạng chuẩn và tính chất tương ứng. Trang bị cho người học kiến thức về mô hình thực thể liên kết để thiết kế CSDL.

9.31. Nguyên lý hệ điều hành

Môn học giới thiệu các khái niệm và định hướng phát triển, hoàn thiện, cải tiến hệ điều hành cho các hệ thống tính toán nói chung. Nguyên tắc tổ chức và quản lý cấp phát tài nguyên hệ thống: CPU, bộ nhớ và các thiết bị ngoại vi thông qua các nguyên lý và thuật toán khác nhau; trên cơ sở đó có thể lựa chọn giải pháp phù hợp đối với hệ thống tính toán trong thực tế.

9.32. Kiến trúc máy tính

Học phần Kiến trúc máy tính là môn học thuộc lĩnh vực cơ sở ngành. Sau khi hoàn thành học phần sinh viên sẽ có kiến thức tổng quan về hệ thống máy tính, tổ chức, kiến trúc, chức năng và nguyên lý hoạt động của hệ thống máy tính hiện đại. 

Học phần được tổ chức làm hai phần: Phần I, cung cấp cho sinh viên kiến thức cơ sở về nguyên lý hoạt động và các thành phần cơ bản của máy tính. Với phần I, sinh viên có được kiến thức tổng quan về hệ thống, nắm được các thành phần cơ bản cấu tạo nên máy tính và nguyên lý hoạt động của chúng. Trong phần này, hoạt động của các thành phần bên trong máy tính cũng được mô tả chi tiết và minh họa bằng các ngôn ngữ máy, làm cơ sở cho sinh viên có thể lập trình can thiệp vào hệ thống bên trong máy tính. Phần II, kiến trúc máy vi tính hiện đại, với phần này sinh viên sẽ được giới thiệu các thành phần và nguyên lý hoạt động của máy vi tính hiện đại, qua đó sinh viên có được kiến thức tổng quan về hoạt động và các thành phần của một máy vi tính PC hiện đại. Bên cạnh đó học phần Kiến trúc máy tính cũng đồng thời định hướng có khả năng thiết kế đơn vị xử lý trung tâm.

9.33. Nhập Môn Công nghệ phần mềm

“Nhập Môn Công nghệ phần mềm” là học phần thuộc khối kiến thức Chuyên ngành, nhằm giúp sinh viên hiểu được tầm quan trọng của các giai đoạn phát triển phần mềm, nắm được vai trò và nội dung của từng pha trong quy trình phát triển phần mềm; có khả năng vận dụng đưa ra giải pháp phù hợp cho một dự án phần mềm trên những điều kiện cụ thể; có thể tham gia và thực hiện tốt các hoạt động theo quy trình phát triển phần mềm bao gồm: thu thập yêu cầu, phân tích thiết kế, lập trình, kiểm thử và triển khai.

Để đạt được mục tiêu trên, học phần sẽ cung cấp cho sinh viên các khái niệm cơ bản của công nghệ phần mềm, các giai đoạn và sản phẩm của từng giai đoạn trong quá trình làm một dự án phần mềm, các phương pháp, kỹ năng và công cụ để thực hiện hiệu quả vai trò của bản thân trong các giai đoạn đó. 

9.34. Lập trình Web nâng cao

Lập trình Web nâng cao là học phần thuộc khối kiến thức chuyên ngành trong CTĐT ngành CNTT. Học xong học phần này, người học có thể xây dựng được một website với nhiều tính năng nâng cao với việc sử dụng các điều khiển có nhiều tính năng hỗ trợ người dùng, tối ưu cho nhiều thiết bị khác nhau, đảm bảo an ninh an toàn thông tin cao hơn. Vì vậy, môn học này cung cấp các kiến thức về Asp.net, các đối tượng phổ biến trong Asp.net, các điều khiển phía server, các điều khiển kết gán dữ liệu, và một số vấn đề nâng cao như đảm bảo an toàn cho website, xử lý bất đồng bộ Ajax.

9.35. Lập trình trên thiết bị di động nâng cao

Lập trình trên thiết bị di động nâng cao là học phần bắt buộc thuộc chuyên ngành Công nghệ Phần mềm. Sau khi học xong học phần này, người học thiết kế được các giao diện người dùng phù hợp với nhiều thiết bị khác nhau, tối ưu hiển thị và đảm bảo tốt nhất trải nghiệm người dùng; Phân tích và xử lý được các vấn đề trong phát triển ứng dụng di động: sự phân mảnh nền tảng, tương thích trên nhiều thiết bị khác nhau, đảm bảo an ninh dữ liệu; Thiết kế và xây dựng được các ứng dụng di động phức tạp sử dụng các cơ chế đa luồng, các kết nối di động khác nhau, cơ sở dữ liệu cục bộ hoặc đám mây, tối ưu hoá giao diện, sử dụng các thiết bị của di động camera, loa và một số cảm biến để giải quyết các vấn đề thực tế. Vì vậy, học phần này cung cấp các kiến thức về các dịch vụ trong Android, cơ chế giao diện, API, giao tiếp với các thiết bị của thiết bị di động.

9.36. Đảm bảo chất lượng phần mềm

Học phần Đảm bảo chất lượng phần mềm thuộc khối kiến thức chuyên ngành Công nghệ phần mềm được xây dựng nhằm cung cấp cho sinh viên kiến thức và kỹ năng cần thiết để làm việc với các dự án phần mềm. Qua học phần này, sinh viên sẽ hiểu được vai trò quan trọng của đảm bảo chất lượng phần mềm trong phát triển dự án công nghệ thông tin.

Để đạt được mục tiêu trên, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản về tổng quan và chi tiết các giai đoạn kiểm định chất lượng trong chu trình phát triển phần mềm. Giúp sinh viên biết lựa chọn loại phương pháp tiếp cận phù hợp với từng giai đoạn kiểm định chất lượng, cách lên kế hoạch kiểm định, cách đưa ra những tình huống, kịch bản, dữ liệu và kỹ thuật đến tiến hành kiểm tra, cũng như cách làm báo cáo sau khi kết thúc giai đoạn kiểm tra và đánh giá chất lượng phần mềm trong suốt chu trình phát triển.

9.37. Lý thuyết Thiết kế giao diện người dùng

Học phần Lý thuyết Thiết kế giao diện người dùng là một học phần tự chọn thuộc khối kiến thức chuyên ngành, cung cấp các kiến thức và kỹ năng giúp người học áp dụng được các nguyên lý về thiết kế, các phương pháp thiết kế để thể hiện được các kết quả nghiên cứu về người dùng mà các môn học trong ngành đã triển khai. Thiết kế giao diện cho các sản phẩm công nghệ cũng như dịch vụ số của các cơ quan tổ chức đảm bảo tính tối ưu và sự trải nghiệm của người sử dụng. Sản phẩm thiết kế ra phải xác định được các vấn đề, truyền tải được thông tin của doanh nghiệp, cơ quan tổ chức đến với người dùng và cũng làm hài lòng được người dùng khi sử dụng sản phẩm, qua đó có thể phân tích, đo lường và đánh giá được hiệu quả của sản phẩm thiết kế để đưa ra phương án cải thiện tốt hơn cho sản phẩm.

Để đạt được mục tiêu cuối cùng của môn học, người học phải nắm vững các nội dung mà học phần cung cấp gồm: (1) Các nguyên lý về thiết kế giao diện người dùng, (2) Các quy trình thiết kế giao diện cho các sản phẩm công nghệ (3) Phương pháp phân tích đánh giá các nguyên lý và quy trình có chất lượng để vận dụng áp dụng vào thiết kế một sản phẩm công nghệ cụ thể, ngoài ra người học cũng phải có (4) Kỹ năng về làm việc nhóm, vận dụng các kiến thức đã học, đọc hiểu tài liệu cũng như xây dựng phương án trình bày các sản phẩm của mình một cách thuyết phục.

9.38. Thiết kế đồ họa

Học phần Thiết kế đồ họa  thuộc khối kiến thức chuyên  ngành, cung cấp kiến thức, kỹ năng giúp người học có thể thiết kế được các sản phẩm truyền thông đạt chuẩn truyền thông với định dạng vectơ. 

Để đạt được mục tiêu này, học phần  Thiết kế đồ họa sẽ cung cấp cho người học các nội dung về (1) nguyên lý thiết kế đồ hoạ (2) Các phương pháp phối màu và ứng dụng màu vào thiết kế sản phẩm truyền thông (3) Các thành phần của bộ sản phẩm truyền thông và tiêu chuẩn đánh giá chất lượng sản phẩm thiết kế (4) Các công cụ thiết kế đồ hoạ vectơ. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, học phần này còn giúp người học (5) phát triển khả năng làm việc nhóm, tăng cường kỹ năng giao tiếp, viết báo cáo và thuyết trình khi trình bày các sản phẩm của mình.

9.39. Công nghệ đa phương tiện

Học phần Công nghệ Đa phương tiện là học phần thuộc hướng chuyên ngành. Học phần trang bị các kiến thức cơ bản về: khái niệm đa phương tiện, các dữ liệu, các lĩnh vực và ứng dụng. Các kỹ thuật về Audio và Video. Các chuẩn nén dữ liệu đa phương tiện: âm thanh, hình ảnh. Sau khi hoàn thành học phần, sinh viên sẽ có khả năng xây dựng một số ứng dụng trên hệ thống đa phương tiện.

9.40. Kỹ thuật đồ họa và thực tại ảo

Học phần giới thiệu về kỹ thuật đồ họa và thực tại ảo cùng với các hướng nghiên cứu trong lĩnh vực này. Trong phần 1 của môn học giới thiệu chung về khái niệm cơ bản nhất trong lập trình đồ họa, giới thiệu các thành phần của một hệ đồ họa cũng như ứng dụng của nó. Trong phần 2, cung cấp các phương thức biểu diễn cũng như các thuật toán thực hiện các phép biến đổi với đồ họa 2D Trong phần 3, giới thiệu về đồ họa trong không gian 3 chiều, các biểu diễn, cách chiếu từ 3D sang 2D để biểu diễn trên máy tính cùng các phép biến đổi liên quan đến đồ họa 3D. Phần cuối là giới thiệu về thực tại ảo. Học xong học phần này sinh viên sẽ hiểu các nguyên lý cơ bản của đồ họa máy tính hiện đại, hiểu kiến thức hình học bên dưới các mô hình 3D và hiểu vấn đề hiệu năng khi vẽ các mô hình 3D, mô phỏng đối tượng 3D trên một hệ thống thực tại ảo.

 9.41. Quản trị hệ thống Linux

Học phần Quản trị hệ thống Linux giúp sinh viên xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc về quản trị hệ thống Linux, cung cấp cho họ các kỹ năng cần thiết để quản lý và vận hành hiệu quả trên môi trường Linux. Học phần này tập trung vào các khía cạnh cần thiết để quản lý, vận hành, các tác vụ và công cụ quản trị hệ thống, bao gồm: (i) Giới thiệu hệ điều hành Linux, các bản phân phối và các loại giấy phép mã nguồn mở; (ii) Cài đặt, thiết lập các thông số hệ thống cơ bản và lập trình shell; (iii) Cấu trúc hệ thống tập tin Linux và cách quản lý tệp tin, thư mục; (iv) Quản lý quyền và phân quyền cho người dùng và nhóm người dùng; (v) Cài đặt, cấu hình, gỡ bỏ các gói phần mềm và cập nhật hệ thống; (vi) Cài đặt và cấu hình các dịch vụ mạng như máy chủ web, máy chủ FTP, máy chủ DHCP và DNS.

9.42. An ninh mạng máy tính

Học phần An ninh mạng máy tính thuộc khối kiến thức chuyên ngành. Sau khi học xong học phần này, người học có thể tổng hợp, phân loại và đánh giá được các lỗ hổng bảo mật, các dạng tấn công vào các mạng máy tính; phân tích, đánh giá được mức độ an toàn của các mạng máy tính bằng cách sử dụng các công cụ và kỹ thuật phù hợp; thiết kế, triển khai và đánh giá được hiệu quả của các giải pháp phát hiện và phòng chống xâm nhập đối với các mạng máy tính.

Để đạt được các mục tiêu trên, học phần An ninh mạng máy tính tập trung vào các nội dung về các lỗ hổng bảo mật và phân loại các dạng lỗ hổng này, các công cụ phân tích và đánh giá an ninh mạng máy tính; các kỹ thuật và công cụ bảo mật hạ tầng mạng máy tính; các hệ thống phát hiện và phòng chống xâm nhập.

9.43. Mạng máy tính nâng cao

Môn học mạng nâng cao nhằm giới thiệu với sinh viên các kiến thức chuyên sâu trong quá trình truyền thông của máy tính trên môi trường Internet. Trong học phần này, học viên sẽ được giới thiệu về hoạt động và cấu trúc của các gói tin trên các giao thức mạng đang sử dụng như mạng ngang hàng Bittorrent, mạng điện thoại Voice over IP hoặc các công nghệ truyền dữ liệu trực tuyến như Video Streaming. Môn học cung cấp kiến thức tập trung vào môi trường truyền dữ liệu quan mạng máy tính và cụ thể là mạng Internet. Qua môn học, sinh viên có thể tham gia vào các lĩnh vực an toàn bảo mật hệ thống hoặc có khả tham gia phát triển các ứng dụng truyền dữ liệu trực tuyến.

9.44. Phân tích và thiết kế mạng máy tính

Học phần cung cấp các kiến thức, kỹ năng để sinh viên có thể phân tích hoạt động thực trạng mạng của một doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Qua môn học, sinh viên có thể đánh giá được thực trạng mạng của doanh nghiệp bằng các tiêu chuẩn định lượng, sử dụng các công cụ để phân tích hoạt động mạng, đánh giá hiệu suất mạng... Học phần cũng giúp sinh viên thực hiện từng bước trong quá trình thiết kế một hệ thống mạng cho doanh nghiệp với mục tiêu tối ưu hóa với chi phí đánh đổi theo một quy trình chung, phổ biến trong quá trình thiết kế hệ thống CNTT. Kết thúc học phần, sinh viên có thể thiết kế hệ thống mạng theo quy mô nhỏ và vừa có sử dụng các công nghệ trên mạng LAN hoặc WAN; bản thiết kế được thực hiện trên các công cụ mô phỏng hiện đại.

9.45. Tin học đại cương

Học phần tin học đại cương nằm ở học kì 1 của chương trình đào tạo. Học phần nhằm cung cấp cho sinh viên kiến thức về hệ điều hành Windows và Internet cùng với các phần mềm ứng dụng của Microsoft. Sau khi học xong môn học, người học được cung cấp những nền tảng để có thể sử dụng thành thạo máy tính, phân biệt được phần cứng và phần mềm máy tính, nguyên lý làm việc một hệ điều hành, một số phần mềm văn phòng, khai thác tốt Internet, email và các mạng xã hội thông dụng, chia sẻ nội dung trực tuyến.

9.46. Hệ quản trị CSDL Oracle

Học phần Hệ quản trị CSDL Oracle thuộc khối kiến thức Cơ sở Ngành trong ngành Công nghệ Thông tin, được xây dựng nhằm cung cấp cho sinh viên kiến thức và kỹ năng cần thiết để làm việc với các cơ sở dữ liệu (CSDL) ứng dụng trong các hệ thống thông tin. Qua học phần này, sinh viên sẽ hiểu được vai trò quan trọng phần mềm quản trị CSDL trong việc tạo lập , khai thác, quản trị cơ sở dữ liệu tập trung và phân tán để đáp ứng yêu cầu của các bài toán quản lý đồng thời thực hiện được việc tạo lập, khai thác, quản trị CSDL tập trung và phân tán..

Để đạt được mục tiêu trên, sinh viên sẽ được học về tạo lập và khai thác cơ sở dữ liệu trên Oracle; được học cách cài đặt cơ sở dữ liệu, thêm, sửa, xóa và trích xuất dữ liệu; cách quản lý người dùng, phân cấp truy cập và sao lưu - phục hồi cơ sở dữ liệu để đảm bảo an toàn và bảo mật dữ liệu cả bằng truy vấn SQL và bằng công cụ của Oracle. 

9.47. Xử lý dữ liệu lớn

Học phần Xử lý dữ liệu lớn là học phần tự chọn thuộc khối kiến thức Ngành và Bổ trợ trong ngành CNTT. Học phần nhằm cung cấp cho sinh viên hiểu biết về khái niệm và thách thức của Big Data, thực nghiệm xử lý dữ liệu lớn trên một số nền tảng phổ biến, đưa ra báo cáo phân tích và đánh giá từ kết quả xử lý.

Để đạt được mục tiêu này, sinh viên sẽ được trang bị về các khái niệm và tính chất của Big Data, phương pháp thu thập, lưu trữ và xử lý Big Data, cũng như làm quen với các công cụ và kỹ thuật phân tích dữ liệu quy mô lớn.

9.48. Quản lý dự án CNTT

Học phần Quản lý dự án là học phần tự chọn đối với bậc đào tạo Cử nhân và là học phần bắt buộc với bậc đào tạo Kỹ sư, thuộc nhóm cơ sở ngành Công nghệ thông tin. Học phần cung cấp các kiến thức giúp người học có thể phân tích nội dung, lập kế hoạch triển khai, quản lý, kiểm soát, điều chỉnh việc triển khai dự án. Người học quản lý được các yếu tố về chất lượng, rủi ro, thay đổi và kết thúc dự án.

9.49. Đánh giá hiệu năng mạng máy tính

Học phần cung cấp kiến thức và kỹ năng để đánh giá hiệu năng của một hệ thống mạng máy tính. Kết thúc học phần, sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức trong đánh giá hiệu năng mạng, hiểu được vai trò quan trọng trong việc đánh giá hiệu năng hoạt động mạng là một trong những bước phân tích để cải tiến chất lượng mạng nhằm tăng hiệu quả hoạt động của đơn vị. Sinh viên biết vận dụng các tiêu chí đánh giá hiệu năng, xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu năng mạng đồng thời phân tích được hoạt động của mạng thông qua các kỹ thuật phân tích sử dụng các công cụ thích hợp.

9.50. Phát triển ứng dụng Thị giác máy tính

Học phần "Phát triển ứng dụng Thị giác máy tính" là một học phần trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và máy học. Sau khi hoàn thành học phần này, sinh viên sẽ có kiến thức và kỹ năng cần thiết để phát triển ứng dụng thị giác máy tính đơn giản. Trong khóa học, sinh viên sẽ được giới thiệu với các khái niệm cơ bản về thị giác máy tính và các công cụ và thư viện phát triển phổ biến như OpenCV, TensorFlow và PyTorch. Sinh viên sẽ tìm hiểu về các thuật toán phổ biến trong thị giác máy tính như phát hiện đối tượng, nhận dạng khuôn mặt, phân loại ảnh và theo dõi vị trí. Bên cạnh đó, sinh viên sẽ có cơ hội thực hành thông qua các bài tập và dự án thực tế. Họ sẽ học cách xử lý và tiền xử lý dữ liệu hình ảnh, xây dựng và huấn luyện mô hình máy học, và triển khai các ứng dụng thị giác máy tính trên nền tảng thực tế.

9.51. Phát triển ứng dụng Vạn vật kết nối

Phát triển ứng dụng vạn vật kết nối Internet là học phần tự chọn thuộc khối kiến thức chuyên ngành. Học xong học phần này, người học phân loại, đánh giá và lựa chọn được các thiết bị IOT, các cảm biến, nền tảng hỗ trợ phát triển ứng dụng phù hợp để xây dựng được các ứng dụng thực tế đáp ứng tốt và đầy đủ các yêu cầu khác nhau của các bên liên quan; đảm bảo an ninh và bảo mật dữ liệu trong trao đổi giữa thiết bị, ứng dụng và cơ sở dữ liệu đám mây trong các ứng dụng được xây dựng. Vì vậy, học phần này cung cấp các kiến thức về IOT, các thiết bị IOT phổ biến hiện nay như Raspberry Pi và các cảm biến, cách thức kết nối vật lý và trao đổi dữ liệu sử dụng nền tảng Microsoft .Net framework với Azure IoT Hub và các dịch vụ khác; cơ chế đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin trong các ứng dụng IOT.

9.52. Thương mại điện tử

Học phần này giới thiệu kiến thức cơ bản về nền kinh tế số và thương mại điện tử, sự khác biệt giữa thương mại truyền thống và thương mại điện tử. Nội dung môn học cung cấp những khái niệm, mô hình và các quy trình hoạt động trong thương mại điện tử với những tiếp cận khác nhau. Triển khai thương mại điện đòi sự hiểu biết và vận dụng các công nghệ với những cấp độ khác nhau về hạ tầng CNTT, pháp lý cùng với các mô hình ứng dụng. Cung cấp cho người học những kỹ thuật, ứng dụng các sản phẩm phần mềm website thương mại điện tử, sàn giao dịch hoặc các ứng dụng dịch vụ để tích hợp triển khai những quy trình trong hoạt động thương mại điện tử như marketing trực tuyến, quản lý bán hàng trực tuyến, thanh toán và phân phối sản phẩm.

9.53. Ứng dụng UML trong Phân tích và Thiết kế

Học phần này nhằm cung cấp hiểu biết cho sinh viên về phân tích và thiết kế hệ thống thông tin hướng đối tượng dựa trên ngôn ngữ mô hình hóa hợp nhất UML. Sinh viên nắm vững ngôn ngữ UML và ý nghĩa các mô hình UML trong việc mô hình hóa bài toán thực tế. Sinh viên vận dụng các sơ đồ như: sơ đồ ca sử dụng, sơ đồ tương tác, sơ đồ lớp, sơ đồ trạng thái, sơ đồ hoạt động, sơ đồ thành phần và sơ đồ triển khai vào quá trình phân tích và thiết kế một case study thực tế.

9.54. Phần mềm tự do mã nguồn mở

Môn học cung cấp cho người học các kiến thức cơ bản về giấy phép nguồn mở, hệ điều hành nguồn mở, công cụ và thư viện phần mềm nguồn mở. Kết thúc học phần sinh viên có thể vận dụng được các công cụ nguồn mở, áp dụng thư viện nguồn mở trong phát triển dự án. Môn học Phần mềm Mã nguồn mở tự do được chia làm hai phần chính, phần thứ nhất giới thiệu về giấy phép phần mềm tự do mã nguồn mở, phần thứ hai là khai thác mã nguồn mở.

Phần giới thiệu phần mềm mã nguồn mở cung cấp cho sinh viên biết các khái niệm cơ bản về phần mềm Mã nguồn mở tự do, các loại giấy phép và các điều khoản của các loại giấy phép mã nguồn và hệ điều hành nguồn mở.

Phần khai thác mã nguồn mở cho phép sinh viên làm quen với một hệ thống các phần mềm mã nguồn mở, có sự so sánh với các phần mềm mã nguồn đóng. Sinh viên sẽ được trang bị kiến thức về quy trình phát triển mã nguồn mở. Ngoài ra, sinh viên cũng sẽ được tìm hiểu các bộ khung phát triển phần mềm mã nguồn mở cũng như cài đặt, triển khai các bộ khung này.

9.55. Lập trình Hệ thống

Lập trình hệ thống là học phần tự chọn thuộc khối cơ sở ngành. Sau khi học xong học phần này người học có thể phân loại, phân tích một cách chính xác các loại thanh ghi và sử dụng được để tính toán xử lý dữ liệu; sử dụng thành thạo ngôn ngữ lập trình Assembly, các cơ chế gọi, trao đổi, tương tác giữa các chương trình con được viết bằng Assembly và giữa chúng với các ngôn ngữ lập trình khác. Từ đó hoàn thành được dự án học phần theo nhóm. Vì vậy, môn học này cung cấp các kiến thức về các loại ngắt, cách thức gọi chúng để thực hiện các chức năng hệ thống, các loại thanh ghi để xử lý và tính toán dữ liệu, ngôn ngữ lập trình Assembly và cơ chế triển khai cấu trúc điều khiển để xây dựng các chương trình con, giao tiếp, tương tác và trao đổi dữ liệu giữa chúng để xây dựng được một ứng dụng hoàn chỉnh nhằm giải quyết các vấn đề cụ thể của thực tiễn, trong các hệ thống nhúng.

9.56. Kỹ thuật điện tử số

Kỹ thuật điện tử số là môn học cơ sở và là nền tảng cho lĩnh vực kiến trúc máy tính của ngành Công nghệ thông tin. Học xong môn học này sinh viên được cung cấp các kiến thức về các hệ đếm, đại số boolean, các phương pháp tối thiểu hóa hàm logic, các đặc tính chuyển mạch của các thiết bị bán dẫn, các mạch nhớ cơ bản và có được kỹ năng ban đầu để xây dựng các mạch tổ hợp theo những yêu cầu nhất định. Học phần này cũng cung cấp cho sinh viên kiến thức về tính toán và thiết kế các mạch số đơn giản cũng như các vi mạch tổ hợp, vi mạch tích hợp từ đó hình thành trong sinh viên một số kỹ năng cơ bản về phân tích và thiết kế mạch số.

9.57. Thiết kế đồ họa nâng cao

Môn học này cung cấp lý thuyết cơ bản về thiết kế đồ họa 3 chiều và công cụ đồ họa phục vụ cho việc 3 chiều. Môn học chú trọng cụ thể vào luật xa gần (thấu thị), sáng tối, tạo các hình khối cơ bản, sử dụng các hình khối đó để tạo ra sản phẩm 3D. Sử dụng phần mềm Autodesk 3DsMax để thiết kế mô phỏng các ứng dụng 3 chiều.

9.58. Thu thập và phân tích yêu cầu

Học phần này thuộc nhóm kiến thức chuyên ngành và là môn học tự chọn. Với học phần này sinh viên được cung cấp các kiến thức và kỹ năng cần thiết khi thu thập yêu cầu cho một dự án phần mềm. Từ đó người học sẽ thấy được tầm quan trọng và sự phức tạp của việc thu thập và phân tích yêu cầu.

Các nội dung học phần bao gồm: các khái niệm và thuật ngữ được sử dụng trong quá trình thu thập và phân tích yêu cầu; các mô hình, kĩ thuật được sử dụng để hỗ trợ người phân tích yêu cầu, đặc tả và quản lý yêu cầu.

9.59. Kiến trúc phần mềm

Học phần Kiến trúc phần mềm thuộc khối kiến thức Chuyên ngành, học phần này nhằm cung cấp cho sinh viên  kiến thức và kỹ năng để thiết kế kiến trúc cho các phần mềm đảm bảo tính mở rộng, dễ bảo trì và đáng tin cậy. Để đạt được mục tiêu trên, học phần này sẽ trang bị cho sinh viên kiến thức, quy trình, công cụ, kỹ năng để thiết kế và mô hình hoá kiến trúc phần mềm phù hợp với yêu cầu của hệ thống, đồng thời đánh giá được chất lượng của các kiến trúc đó.

9.60. Thiết kế phần mềm

Học phần Thiết kế phần mềm thuộc khối kiến thức Chuyên ngành, học phần này nhằm cung cấp cho sinh viên  kiến thức và kỹ năng để thiết kế và triển khai các phần mềm có tính mở rộng, dễ bảo trì và đáng tin cậy. 

Để đạt được mục tiêu trên, sinh viên sẽ được rèn luyện kỹ năng phân tích yêu cầu; thiết kế kiến trúc; sử dụng các công cụ và phương pháp thiết kế phần mềm hiện đại; đánh giá chất lượng thiết kế và triển khai thành sản phẩm phần mềm.

9.61. Khai phá dữ liệu và máy học trong An toàn hệ thống

Học phần "Khai phá dữ liệu và Máy học trong An toàn hệ thống" tập trung vào việc áp dụng các kỹ thuật khai phá dữ liệu và máy học để giải quyết các vấn đề an toàn thông tin. Sau khi học xong học phần này, sinh viên được cung cấp các phương pháp và công cụ để áp dụng khai phá dữ liệu và máy học trong lĩnh vực an toàn thông tin. Sinh viên sẽ được hướng dẫn về cách thu thập, tiền xử lý, phân tích dữ liệu từ các nguồn khác nhau và áp dụng các phương pháp học máy để xây dựng các mô hình phân loại, gom cụm và dự đoán trong bối cảnh an toàn thông tin. Mặt khác, sinh viên được cung cấp cách đánh giá và tinh chỉnh các mô hình máy học để đảm bảo tính hiệu quả và độ tin cậy của chúng. Ngoài ra, sinh viên được rèn luyện các kỹ năng làm việc nhóm, đọc hiểu và viết tài liệu bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh trên tinh thần thượng tôn pháp luật và các chuẩn mực đạo đức xã hội.

9.62. Phát triển chính sách an toàn thông tin cho tổ chức

Bảo mật thông tin cho tổ chức bên cạnh các vấn đề kỹ thuật thì việc xây dựng chính sách bảo mật là một trong những biện pháp hữu hiệu để hạn chế các rủi ro về dữ liệu trong quá trình vận hành hệ thống thông tin của tổ chức. Học phần phát triển chính sách an toàn thông tin cho tổ chức cung cấp cho sinh viên quy trình phát triển chính sách, các tiêu chuẩn chính sách an toàn thông tin. sau khi kết thúc học phần, sinh viên có thể nắm được các quy định về chính sách bảo mật, triển khai chính sách bảo mật theo tiêu chuẩn ISO 27001 đồng thời nhận diện được các lĩnh vực quản trị bảo mật thông tin trong một tổ chức. Học phần trang bị công cụ kỹ thuật để sinh viên có thể phân tích các đối tượng trong tổ chức, đề xuất, xây dựng chính sách bảo mật thông tin đến từng tài nguyên trong tổ chức nhằm tăng cường khả năng bảo mật và an toàn thông tin cho tổ chức.

 

9.63. Kiểm thử an toàn cho hệ thống thông tin

Học phần Kiểm thử an toàn cho hệ thống thông tin là học phần tự chọn thuộc nhóm chuyên ngành, được xây dựng nhằm mục đích cung cấp các khái niệm, những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao về đánh giá và kiểm định an toàn cho hệ thống mạng công nghệ thông tin (gọi tắt là hệ thống thông tin), giúp học viên có được cái nhìn tổng quát và nắm được các phương pháp, cách thức để có thể đánh giá và kiểm định một hệ thống thông tin an toàn.

9.64. Tấn công và phòng thủ trong môi trường mạng máy tính

Tấn công và phòng thủ trong môi trường mạng máy tính là học phần tự chọn thuộc khối kiến thức chuyên ngành. Sau khi học xong học phần này, người học có thể thực hiện được các kỹ thuật kiểm thử an ninh đối với các hệ thống mạng máy tính: quét cổng, quét mạng máy tính, kiểm thử an ninh với mạng máy tính với các kỹ thuật khai thác các lỗ hổng mạng DOS, DDOS, MITM, Spoofing, tràn bộ đệm, SQL Injection, XSS; giám sát và phát hiện các dạng tấn công vào các mạng máy tính, triển khai các hoạt động ngăn chặn, giảm thiểu hậu quả của các cuộc tấn công này vào các mạng máy tính, đặc biệt là đối với các mạng không dây, vốn gặp nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn; áp dụng các chính sách an ninh và các tiêu chuẩn bảo mật vào các hệ thống mạng máy tính.

9.65. Phát triển ứng dụng Game

Học phần Phát triển ứng dụng game thuộc khối kiến thức chuyên  ngành, cung cấp kiến thức, kỹ năng giúp người học có thể thực hiện xây dựng được kịch bản, thiết kế game và phát triển ứng dụng game trong môi trường 2D, 3D. 

Để đạt được mục tiêu này, học phần  Phát triển ứng dụng game  sẽ cung cấp cho người học các nội dung về (1) Lý thuyết game(2) Quy trình phát triển game  (3) Các thành phần trong game và cách xây dựng kịch bản game (4)Trí tuệ nhân tạo trong game (4) Các công cụ và ngôn ngữ lập trình phục vụ cho việc phát triển ứng dụng game. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, học phần này còn giúp người học (5) phát triển khả năng làm việc nhóm, tăng cường kỹ năng giao tiếp, viết báo cáo và thuyết trình khi trình bày các sản phẩm của mình.

9.66. Kiểm thử phần mềm

Học phần Kiểm thử phần mềm là học phần tự chọn thuộc nhóm ngành và bổ trợ, được xây dựng nhằm cung cấp cho sinh viên các kiến thức về kiểm thử phần mềm, các quy trình kiểm thử phần mềm và các kỹ thuật cơ bản trong thiết kế và cài đặt kiểm thử. Sinh viên có khả năng tiến hành thiết kế, kiểm thử và đánh giá hiệu quả kiểm thử một phần mềm cụ thể trong thực tế. Ngoài ra, học phần này cũng cung cấp sự hiểu biết và cách sử dụng một số công cụ hỗ trợ quản lý lỗi, một số công cụ hỗ trợ kiểm thử tự động.

9.67. Phát triển hệ thống trên các Hệ Quản trị nội dung

Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về hệ quản trị nội dung (CMS), giới thiệu về một số CMS phổ biến như WordPress, DotNetNuke, Liferay… để tạo các trang web, trang web thương mại điện tử, website cá nhân. Sinh viên lựa chọn và sử dụng một hệ thống CMS để thiết kế một website thương mại điện tử hoặc website cá nhân.

9.68. Phát triển ứng dụng trên nền các dịch vụ đám mây

Phát triển ứng dụng dựa trên nền tảng các dịch vụ đám mây là học phần tự chọn thuộc phần chuyên ngành. Học xong học phần này, người học có thể phân loại, đánh giá và lựa chọn được nền tảng, mô hình dịch vụ điện toán đám mây phù hợp để phát triển được ứng dụng hoàn chỉnh để giải quyết các vấn đề trong thực tế. Vì vậy, học phần này cung cấp các kiến thức cơ bản về điện toán đám mây, các mô hình điện toán đám mây, các nền tảng điện toán đám mây phổ biến, thiết lập và xây dựng ứng dụng dựa trên nền tảng điện toán đám mây sử dụng dịch vụ cơ sở dữ liệu trên nền tảng đám mây, cung cấp ứng dụng dựa trên nền tảng đám mây cho người dùng.

9.69. Lập trình mạng

Môn học Lập trình mạng cung cấp cho sinh viên các kiến thức về thiết kế và lập trình mạng. Xây dựng các ứng dụng mạng dựa trên giao diện socket và mô hình khách/chủ. Môn học này bắt đầu với lập trình socket, đây là giao diện giữa tầng ứng dụng và tầng TCP/IP. Sinh viên sẽ được học cách thiết kế giao thức ứng dụng mạng, lập trình theo mô hình khách chủ sẽ là một trong các nội dung quan trọng của môn học này.  Mô hình gọi thủ tục từ xa (RPC) là một mô hình được sử dụng rộng rãi trong tính toán và xử lý phân tán cũng sẽ được giới thiệu trong môn học.

9.70. Kiểm soát hệ thống

Học phần cung cấp kiến thức về kiểm soát hoạt động của một hệ thống thông tin từ giai đoạn đầu vào, quá trình chuyển đổi hệ thống thông tin cho đến giai đoạn đầu ra. Học phần cũng cung cấp kiến thức tổng quan về các thành phần vật lý và  thành phần logic tham gia vào quá trình vận hành hệ thống thông tin của đơn vị. Sau khi kết thúc học phần, sinh viên có thể nắm được quy trình kiểm soát hệ thống thông tin, nhận diện được các vấn đề thông tin cần kiểm soát trong quá trình vận hành hệ thống tổng thể và đưa ra các biện pháp quản lý, giám sát hoạt động của hệ thống nhanh chóng khắc phục lỗi hệ thống, tăng hiệu quả hoạt động của đơn vị đồng thời tăng cường kiểm soát an ninh thông tin của hệ thống.

9.71. Thiết kế ứng dụng trên đầu cuối di động

Thiết kế ứng dụng trên đầu cuối di động là học phần tự chọn thuộc khối kiến thức chuyên ngành, học phần cung cấp các kiến thức kỹ năng giúp người học vận dụng được nguyên lý và quy trình về thiết kế cho thiết bị di động, thông qua việc nghiên cứu người dùng để đưa được thiết kế đảm bảo trải nghiệm của người dùng tốt. Sản phẩm thiết kế ra phải xác định được các vấn đề cũng như truyền tải được các yêu cầu của khách hàng tới người dùng trên thiết bị di động, phân tích và đánh giá sản phẩm thiết kế cũng như mức độ đáp ứng của sản phẩm trên thiết bị di động.

Để đạt được mục tiêu này, học phần Thiết kế ứng dụng trên đầu cuối di động sẽ cung cấp cho người học các nội dung về (1) Các kiến thức tổng quan về  thiết kế ứng dụng di động và các vấn đề về người dùng sử dụng thiết bị di động (2) Nguyên tắc thiết kế ứng dụng di động (3) Các công cụ thiết kế và các phương pháp, tiêu chuẩn thử nghiệm, đánh giá và tạo mẫu sản phẩm đến mức prototype CNTT. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, học phần này còn giúp người học (4) phát triển khả năng làm việc nhóm, tăng cường kỹ năng giao tiếp, viết báo cáo và thuyết trình khi trình bày các sản phẩm của mình.

9.72. Chuyên đề thực tập chuyên ngành

“Chuyên đề thực tập chuyên ngành” là học phần đặc thù, tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong các dự án tại môi trường thực tế. Qua đó, sinh viên sẽ vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học một cách tổng hợp đồng thời tiếp thu những kiến thức, kỹ năng mới, học hỏi văn hóa doanh nghiệp để thực hiện thành công các nhiệm vụ trong môi trường thực tế.

Để đạt được mục tiêu này, người học sẽ tham gia vào nhóm làm việc tại các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức; thực hiện các nhiệm vụ được giao, định kỳ báo cáo kết quả với người phụ trách ở doanh nghiệp và giảng viên phụ trách ở khoa; hình thức thực tập có thể là bán thời gian (part time) hoặc toàn thời gian (full time) để phù hợp với tiến độ học tập các môn khác của sinh viên. Kết thúc quá trình thực tập, sinh viên cần xin được nhận xét thực tập của người phụ trách ở doanh nghiệp, đính kèm nhận xét đó vào Báo cáo thực tập, trong đó mô tả rõ về nhiệm vụ đã làm với các minh chứng cần thiết, đánh giá sự liên quan giữa kiến thức đã học và yêu cầu thực tế từ đó đưa ra các khuyến nghị với khoa để giúp việc học tập của sinh viên và việc tổ chức đào tạo của khoa đạt chất lượng tốt hơn. Sinh viên sẽ được đánh giá trực tiếp bởi giảng viên do khoa phân công cả về năng lực chuyên môn và tính chính xác của các đánh giá, khuyến nghị trong báo cáo.

9.73. Khóa luận tốt nghiệp

Khóa luận tốt nghiệp cho sinh viên ngành CNTT là học phần thực hiện cuối khoá học, tập trung vào việc thực hiện một dự án thực tế, từ việc nghiên cứu, thiết kế, triển khai (thành giải pháp công nghệ, quy trình quản lý, các công cụ hoàn chỉnh phục vụ nhu cầu đa dạng của con người) và đánh giá kết quả. 

Để đạt được mục tiêu này, người học sẽ tham gia vào nhóm làm việc dưới sự hướng dẫn của giảng viên; nghiên cứu sơ bộ để xác định dự án; lập kế hoạch và nghiêm túc thực hiện kế hoạch; xác định được từng sản phẩm cần làm theo những tiêu chuẩn phù hợp; đề xuất và triển khai giải pháp cho các yêu cầu đã xác định bằng cách kết hợp kiến thức ngành và chuyên ngành, đánh giá và cải tiến giải pháp đó đồng thời hợp tác hiệu quả trong nhóm, trình bày và chứng minh được chất lượng công việc đã làm.

(2457 lần xem)